Bài học rút ra từ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa

Bài học rút ra từ phim Tam Quốc Diễn Nghĩa
Hình ảnh phim Tam Quốc lấy từ Youtube.

Mấy bữa nay trên youtube chiếu lại 1 số tập phim 3 Quốc 2010, mình vì hoài niệm nên cũng coi lại. Hồi đó coi vì đơn giản là phim hay, 1 trong tứ đại kì thư mà lị. Sau 14 năm trải qua đủ loại thất bại, coi lại phim này thấy rút ra được nhiều bài học. Đúng là qua mỗi giai đoạn của đời người, việc coi 1 tác phẩm bất hủ sẽ rút ra các bài học, góc nhìn, chiêm nghiệm khác nhau. Không biết áp dụng vào được bao nhiêu, nhưng rất đáng để noi theo.

Bài học đầu tiên: chỉ có thể cố gắng làm hết sức, mọi chuyện còn lại do ý trời

Tào Tháo vừa đại bại ở Xích Bích, đang ngồi khích lệ lại tinh thần binh sĩ thì Tư Mã Ý (TMY) lại ngủ không thèm nghe, rốt cục bị tống vào ngục. Tào vào thăm TMY, hỏi han về chuyện chính sự. TMY nói rằng cần phải chỉnh đốn lại kinh tế và quân lương, 10 năm sau có thể xuất binh định thiên hạ. Tào nói rằng e là 10 năm nữa không còn sống trên đời, có khi phải đến đời con cháu mới thành đại nghiệp. TMY nói rằng bậc đại trượng phu chỉ có thể cố gắng làm hết sức hết mình, mọi chuyện còn lại nghe theo ý trời mà thôi.

Câu nói này giống với tinh thần Khắc Kỷ bên châu Âu, cũng như quan điểm của Phật Giáo vậy. Những gì mình kiểm soát được, đó là sự nỗ lực, chăm chỉ thì nên làm hết mình. Còn kết quả là thứ mình không kiểm soát được, thì không nên bận tâm lo lắng làm gì. Nói vậy thôi, chứ làm thì khó lắm.

Mình, sau bao nhiêu thất bại trong chục năm vừa rồi, nghe câu này thấm thía, replay lại cả chục lần. Mình vốn không phải đứa lừa biếng, ngược lại rất chăm chỉ, nhưng thất bại cứ đến liên tiếp làm mình thật sự nản lòng. Nghe được lời của TMY giống như đang an ủi tâm hồn mình vậy.

Bài học thứ 2: phải lì lợm mới thành đại nghiệp

Tào Tháo vừa thoát được kiếp nạn phản nghịch do quân Tây Lương phối hợp với nội gián thực hiện. 1 trong các kẻ nội gián là bạn của Tào Phi - con trai lớn Tào Tháo. TP sợ tên nội gián đó khai lung tung mình là đồng lõa thì chỉ có nước chết, liền tới gặp TMY xin ý kiến (như hình minh họa đầu bài). TMY nói với TP rằng phải thật lì lợm, cho dù Tháo có kề dao vào cổ cũng không được nhận tội, mà phải tích cực vu oan giá họa cho em là Tào Thực, vì tên nội gián đó cũng là môn khách của Thực. Sau đó Tháo triệu Phi vào điện, cầm kiếm chém bay tóc TP, làm đủ mọi trò uy hiếp Phi, nhưng Phi nhất mực không chịu nhận tội. Sau 1 ngày trời tra tấn tinh thần nhưng Phi vẫn không lay chuyển thì Tháo nói rằng đã trách lầm con trai, tha cho.

Hôm sau Phi mang lễ vật đến trả ơn TMY, tiện hỏi tại sao TMY biết lì thì Tháo sẽ tha cho. TMY nói rằng nói đến lì thì không ai qua được Tào Tháo. Tháo là người biết lì, dám lì, quyết lì nên mới xây dựng được cơ đồ như ngày hôm nay. Nếu Phi sợ hãi mà nhận tội, thì Tháo sẽ cho rằng Phi không xứng với cơ đồ này. Còn nếu Phi thể hiện sự lì lợm, thì Tháo sẽ cho rằng Phi có thể làm nên nghiệp lớn. Quả nhiên về sau TP là đứa con được Tháo chọn làm thế tử kế vị, trong khi trí tuệ bình thường, văn thơ không giỏi như Tào Thực, võ thuật kiếm pháp không giỏi như Tào Chương.

Ở thời đại hiện nay, cái lì của Tháo và Phi được gọi với cái tên mỹ miều hơn, discipline - kỷ luật. Từ ngàn đời xưa, phàm muốn làm nên chuyện lớn đều phải có kỷ luật, sự lì lợm theo đuổi mục tiêu đến cùng. Hỡi ôi ai cũng biết điều đó, nhưng có mấy ai mà làm được.

Khi xem cảnh tra tấn tinh thần của Tháo dành cho con trai, mình mấy lần tự nhủ nếu là TP, mình đã bỏ cuộc. Mình chăm chỉ, nhưng nhiều lúc mình không có được sự kỷ luật cần thiết để thực hiện công việc 1 cách tinh gọn. Đây là điểm yếu của mình. Ví dụ như viết bài này thôi mình cũng đã lo ra mấy lần, làm hết chuyện này chuyện kia rồi mới quay lại viết tiếp. Kỷ luật sao nó khó thế...

Read more